Về thăm Làng Vũ Đại ngày nay

Nếu làng Vũ Đại xưa kia luôn gắn liền cái nghèo, cái khổ thì nay khi đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong từng ngõ xóm. Nhưng vẫn còn đó những giá trị văn hóa trường tồn là ngôi nhà Bá Kiến cùng những đặc sản thơm ngon.

Ngày ấy

Làng Vũ Đại là địa danh nổi tiếng gắn liền với truyện ngắn Chí Phèo. Trên thực tế làng được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của nhà văn Nam Cao.

Trước năm 1945, dệt vải là nghề truyền thống của người dân trong làng. Khung dệt mỏ quạ là công cụ phổ biến để cho ra đời những tấm vải đũi thô sơ. Tuy nhiên cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám quanh năm khiến người dân ở nơi đây phải kiếm ăn từng bữa.

Mặc dù tên Vũ Đại chỉ xuất hiện khi có tác phẩm Chí Phèo nhưng ngôi nhà của Bá Kiến trong truyện ở Đại Hoàng tồn tại đã trăm năm. Ngôi nhà 3 gian truyền thống của người Việt Nam này được dựng từ 16 cây cột lim, mái lợp ngói, và có nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo. Điều đặc biệt là nhà đã qua 7 đời chủ với hai lần “chết hụt”.

Lần đầu tiên là năm 1953, ngôi nhà được cứu sau trận càn quét, phóng hỏa của thực dân Pháp. Lần thứ hai, ngôi nhà suýt bị đem xẻ lấy gỗ nếu cụ Trần Thế Lễ bấy giờ mua được, nhưng may thay, ngôi nhà đã được một Việt kiều mua lại để định cư.

Cũng từ cuốn truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao, người ta còn nhắc đến Vũ Đại với bát cháo hành tình nghĩa và vườn chuối sau nhà. Có lẽ bấy giờ, đây chính là đặc sản mộc mạc, chân quê của người dân Vũ Đại.

Bây giờ

Làng Vũ Đại ngày ấy bây giờ nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý, Hà Nam chừng 40 km theo đường tỉnh lộ 972. Nghề dệt vải vẫn được bà con nơi đây gìn giữ, phát huy. Nhưng đến đây, bạn không còn nghe thấy tiếng thoi lách cách, mà thay vào đó là âm thanh máy dệt vải bán công nghiệp khắp xóm làng.

Đến thăm nhà Bá Kiến nằm ngay sát bên con đường đất liên thôn ở xóm 11 xã Hòa Hậu, bạn không khỏi ngạc nhiên khi trải qua hơn 100 năm dãi dầu mưa nắng, mái ngói của ngôi nhà vẫn dù chưa một lần tu sửa vẫn phẳng lỳ, không dột nát. Các hoa văn chạm khắc chữ nho, hình rồng ở văng, kèo, li tô dường như vẫn còn nguyên.